Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm
Triển lãm lần này giới thiệu khoảng 100 hình ảnh tư liệu khái quát lại tiến trình của cuộc chiến Mậu Ngọ năm 1858, trong đó có nhiều ảnh tư liệu mới được bổ sung từ Trung tâm lưu trữ quốc gia Pháp và những hình ảnh về công tác trùng tu, tôn tạo và giáo dục truyền thống yêu nước tại các di tích gắn liền với cuộc kháng Pháp - Tây Ban Nha của quân dân Đà Nẵng. Triển lãm bao gồm 3 chủ đề trưng bày: Vị trí chiến lược và chủ trương phòng thủ của triều đình nhà Nguyễn tại Đà Nẵng; Các trận đánh tiêu biểu và cuộc rút lui của quân Pháp khỏi Đà Nẵng; Di sản còn lại với thời gian.
Phát biểu tại Khai mạc triển lãm, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ Ngô Ngọc Hậu đã ôn lại lịch sử hào hùng của quân và dân Đà Nẵng trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.
Cách đây 165 năm, tiếng súng đại bác trên 16 chiến thuyền của đội quân viễn chinh phương Tây đã nổ trên cửa biển Đà Nẵng, mở màn cuộc chiến tranh thực dân xâm lược và đô hộ Việt Nam.
Khi nổ súng tấn công vào Đà Nẵng, Pháp cho rằng đây là một mục tiêu dễ dàng, vì thế chọn phương châm chiến tranh là “đánh nhanh, thắng nhanh”. Tuy nhiên, dưới sự chiến đấu kiên cường của nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng và quân đội triều đình nhà Nguyễn, cùng với sự lãnh đạo tài tình của các vị tướng Đào Trí, Lê Đình Lý và đặc biệt là danh tướng Nguyễn Tri Phương, đội quân Tây phương đã bị sa lầy trong cuộc chiến này sau 18 tháng 22 ngày và phải rút quân trong thất bại. Sự kiện này được xem là thắng lợi lớn và duy nhất của quân và dân ta ở mặt trận Đà Nẵng trong hơn một phần tư thế kỷ chống xâm lược từ 1858 đến 1885.
Cuộc chiến ấy đã trôi qua 165 năm, phần lớn những dữ liệu, dấu tích của cuộc chiến giờ chỉ còn lưu lại trên các bức ký họa, bản đồ, qua sử sách, tên đất, tên làng. Phần nhiều những di tích gắn liền với cuộc chiến cũng dần phai mờ và mất đi qua năm tháng. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố vẫn còn lại một số dấu ấn của cuộc chiến mang nhiều giá trị, minh chứng hùng hồn cho tinh thần quật cường, ý chí chiến đấu và sự mưu trí, dũng cảm của quân và dân Đà Nẵng - đó chính là những di sản còn lại của trận chiến đấu hào hùng năm xưa như: Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải - biểu tượng yêu nước của người Đà Nẵng; Hải Vân Quan - được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” là đồn lũy quân sự trấn thủ trên đỉnh đèo Hải Vân, có vị trí hết sức đắc địa, án ngữ độc đạo trên tuyến đường bộ từ Đà Nẵng ra kinh đô Huế; các Nghĩa trủng Phước Ninh, Nghĩa trủng Hòa Vang, Nghĩa trủng Nam Ô được xem là các nghĩa trang quốc gia đầu tiên của Việt Nam…
Nhìn chung, các di sản còn lại từ buổi đầu cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha tại Đà Nẵng không còn nhiều. Tuy nhiên, đó chính là những dấu ấn tiêu biểu, là minh chứng hùng hồn cho những tháng ngày nhân dân Đà Nẵng cùng quan quân triều đình dũng cảm chiến đấu hết mình quyết tâm đẩy lùi bước tiến công của quân địch và làm thất bại ý đồ “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch.
Trong những năm gần đây, thành phố Đà Nẵng đã dành nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác trùng tu, tôn tạo các di tích này. Về cơ bản, các di tích đều được trùng tu, tôn tạo hoàn chỉnh, khang trang đã làm nổi bật lên được giá trị, tạo cảnh quang hài hòa cho di tích và đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng công trình, tuân thủ các quan điểm, nguyên tắc về bảo tồn.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường và các đại biểu tham quan tại triển lãm
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Bùi Văn Tiếng tham quan tại triển lãm
Triển lãm đã thu hút đông đảo người dân, các nhà nghiên cứu, đặc biệt là các bạn đoàn viên thanh niên đến tham quan, tìm hiểu. Thông qua cuộc triển lãm nhằm ôn lại quá khứ hào hùng, các giá trị lịch sử cũng như tôn vinh giá trị của các di sản liên quan đến sự kiện Đà Nẵng mở đầu cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858 - 1860), qua đó bày tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc đối với các thế hệ cha ông đã chiến đấu hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ vùng đất Đà Nẵng./.
Trung Trực