Đình Trung Lương - phường Hoà Xuân Quận Cẩm Lệ được công nhận di tích văn hoá cấp thành phố và tổ chức lễ ngày 10/3 Âm Lịch hằng năm, gọi là ngày lễ cầu an xuống đồng
Làng Trung Lương là một làng mới được thành lập vào khoàng giữa thế kỷ 19, được tách ra từ làng chính Khuê Đông, với diện tích khoảng 200 ha. Theo địa giới, làng Trung Lương phía bắc giáp ngã ba sông Hàn, tây giáp Khuê Trung, đông giáp sông Cổ Cò, nam giáp làng Lỗ Giáng. Dân làng sống bằng nghề nông và soi đánh bắt cá ven sông. Lúc bấy giờ, có 5 tộc đến đầu tiên khai canh lập làng là tộc Huỳnh Ngọc, tộc Trần Phước, tộc Nguyễn, tộc Lê và tộc Hồ Văn.
 
Sau khi làng Trung Lương được thành lập một thời gian, với dân số đông và đủ điều kiện vật chất, các vị cao niên đứng đầu các tộc đã khởi xướng việc xây dựng đình làng. Được sự hưởng ứng và đồng thuận của dân làng là lấy ngôi miếu thờ Thái Giám để xây dựng Đình làng với diện tích khoảng 1000m2, được xây dựng theo lối kiến trúc tam gian, tứ vị (3 gian, 4 mái), vật liệu là đá cục , vữa thì bằng vôi trộn với nhớt bồ lời, gổ gồm có gỗ liêm và gỗ mít, hai loại gỗ này dùng làm cột, xà, xiên, trính, &hellip mái được lợp ngói vẩy cá và ngói âm dương. Những người có công đóng góp tiền của xây dựng Đình đều được ghi khắc vào bia, nhưng do chiến tranh văn bia ghi công đức đã bị thất lạc. Đồng thời, lúc bấy giờ được sự chấp thuận của quan phủ Điện Bàn, dân làng đã lấy ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch làm ngày phụng cúng hằng năm, gọi là ngày lễ cầu an và xuống đồng.