Tôi gặp ông Thông khi ông đang trong ca trực. Dù là ngày lễ, Tết, nhưng ông vẫn cần mẫn, cùng với anh em trong Ban bảo vệ dân phố đi tuần tra ở từng con phố, từng kiệt hẻm. Vì theo kinh nghiệm của ông, những ngày Tết này là thời điểm tội phạm gia tăng, nếu lực lượng bảo vệ dân phố không tuần tra, giữ gìn sự bình yên thì người dân không thể ngon giấc. Câu chuyện giữa tôi và ông bắt đầu với những dòng tâm sự như vậy.
nbsp;
Trước đây ông Thông vốn là công an viên xã Hòa Phát cũ. Gắn bó với cái nghiệp này từ năm 1982, khi ấy Hòa Phát chưa chia tách, bao gồm cả Hòa An bây giờ, địa bàn thì phức tạp mà anh em công an viên chỉ vỏn vẹn 7 người nên hầu như chẳng ngày nào ông được nghỉ ngơi. Chính môi trường ấy đã tôi luyện con người ông, và như cái duyên, với ông, bảo vệ người dân, đảm bảo sự bình yên cho nhân dân đã trở thành trách nhiệm, là bổn phận mà ông phải gách vác.
nbsp;
Đến năm 2005, quận Cẩm Lệ được thành lập, xã Hòa Phát được tách ra thành phường Hòa Phát và phường Hòa An, ông Thông chuyển sang làm công tác Bảo vệ dân phố của phường. Suốt 10 năm làm bảo vệ dân phố, ông đã tham gia không biết bao nhiêu lượt tuần tra, vây bắt nhiều loại tội phạm, trộm cắp, giữ vững sự bình yên cho nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên vụ việc ông nhớ nhất là vụ ông cùng với anh em trong tổ tuần tra bắt gọn đối tượng trộm xe máy. Khi đó, đã hơn 2 giờ sáng, tổ tuần tra của ông đi ngang qua khu vực Đông Phước, phát hiện một đối tượng đang loay hoay mang cửa sắt từ trong một ngôi nhà ra xe máy. Trong khi các anh em khác không để ý, thì ông Thông, vốn là một công an viên nên những hành động hết sức đáng nghi của đối tượng không thể qua mắt được ông. Ông Thông liền nói anh em giả vờ không để ý, chạy xe đến khu vượt Hòa Cầm rồi quay lại chỗ đối tượng, bất ngờ áp sát, không có đối tượng chống chế, tẩu thoát.
nbsp;
Tuy nhiên, đối tượng lại hết sức ngoan cố, giả vờ câm. Tuy nhiên với những bằng chứng không thể chối cãi, cùng các biện pháp nghiệp vụ, đối tượng thú nhận đã trộm cắp xe máy, sau đó dùng phương tiện trộm cắp được tiếp tục đi trộm cửa sắt thì bị Ban bảo vệ dân phố phường Hòa Phát phát hiện.
nbsp;
Dù đã lớn tuổi khi đã qua tuổi 61, nhưng ông Thông vẫn rất tích cực tham gia cùng anh em trong Ban. Ngoài công tác Bảo vệ dân phố, ông cũng làm bảo vệ cho một công ty, nhưng cứ hết việc ở công ty, ông lại có mặt để cùng anh em trong Ban bảo vệ dân phố lên đường tuần tra.
nbsp;
Khi chúng tôi đề cập đến nguy hiểm mà người bảo vệ dân phố có thể gặp phải, ông chỉ cười, khoát tay: "Một khi đã chấp nhận công việc này thì mọi sự hiểm nguy đều trở nên bình thường. Nếu ai cũng sợ nguy hiểm, cũng lùi bước trước khó khăn thì ai thức cho dân ngủ, ai đảm bảo sự bình yên cho khu phố, cho nhân dân?" – Ông Thông nói.
nbsp;
Ông Nguyễn Thông
Với suy nghĩ như thế, ông tận tụy cống hiến công sức cho sự bình yên cuộc sống. Ông chia sẻ, cái nghề này không có tuổi nghỉ hưu nên còn sức thì còn cống hiến.
nbsp;
Không chỉ tham gia tuần tra, ông Thông còn là người hướng dẫn, giúp đỡ những người mới vào làm trong Ban, bởi với việc đã trải qua thời gian dài làm công an, có nghiệp vụ, ông luôn là người chỉ bảo, làm công tác tư tưởng để anh em có thể đối phó với những tình huống bất ngờ xảy ra. Cũng vì lo nghĩ cho anh em trong Ban, ông cũng hết sức trăn trở về vấn đề phụ cấp cho anh em Bảo vệ dân phố. Ông luôn mong muốn các cấp, các ngành có sự quan tâm hơn nữa, nhất là về phụ cấp, để anh em bảo vệ dân phố có thêm nguồn thu nhập ổn định, đủ để nuôi sống gia đình.
nbsp;
Trăn trở là vậy, nhưng ông luôn động viên anh em trong Ban bảo vệ dân phố, phải cố gắng, nỗ lực trong công việc, thức cho dân ngủ, lấy sự bình yên cho nhân dân, trong đó có bản thân gia đình mình là trên hết.
nbsp;
Trong cái lạnh của đêm, nguời Bảo vệ dân phố già tận tụy vẫn cần mẫn, đi dạo quanh các con đường, các kiệt hẻm, mặc đêm khuya, mặc cho màn sương dày đặc. Ông, cùng các thành viên trong Ban bảo vệ dân phố cứ thế, thức cho dân ngủ, cho ngày xuân thêm trọn vẹn, yên bình./.
Trung Trực