Sau khi thăm nhà người bạn ở Khuê Trung (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), chúng tôi chạy lòng vòng, bỗng dưng tôi phát hiện cây mù ù sum sê cành lá. Những lá mù u xanh mướt, to dày, nhắc tôi nhớ về thuở thiếu thời. Ngày ấy, nhà tôi ở gần bàu Thạc Gián. Hàng rào của căn nhà ba mẹ tôi thuê, ngoài tre còn có cây mù u to cỡ bắp vế người lớn. Bọn trẻ chúng tôi nhặt những hạt mù u lột sạch vỏ dùng làm bi để bắn chơi. Lớn lên một chút, chúng tôi dùng nó để bắn chim. Mẹ tôi và một số bà con trong xóm xắt lát hạt mù u phơi khô để un muỗi. Mùa nóng mà giăng mùng thì phải quạt suốt đêm không tài gì ngủ được. Thế nhưng khi đốt những lát mù u khô ấy thì lửa cháy lập lòe và khói bay um tùm với mùi nồng nồng, nghe quen cũng dễ chịu. Khói mù u tỏa ra thì muỗi cũng bay dạt ra hết, ai nấy đều dỗ giấc ngủ dễ dàng… Mẹ tôi còn nói, hồi thời bà ngoại tôi, bà con thường dùng mấy lát mù u khô như thế đốt lên lấy ánh sáng thay đèn, vì dầu phộng dùng để ăn (cũng phải tiện tặn), chứ không mấy ai dám dùng để thắp sáng, kể cả không ít nhà có của ăn của để.
nbsp;
Cây mù u tại Miếu Bà và Giếng Chăm ở Khuê Trung
nbsp;
nbsp; nbsp; nbsp; nbsp; nbsp; Cây mù u này rất to, gốc của nó những hai người ôm không xuể.nbsp;
nbsp;
Tính thích đi đây đó, nên tôi tin, đây có lẽ là cây mù u lớn nhất ở Việt Nam chứ không chỉ ở Khuê Trung (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng). Ở Côn Đảo, mấy cây bàng, cây thị to khoảng chừng ấy, thậm chí có lắm cây nhỏ hơn mà cũng được xếp hạng "Cây Di sản". Với tôi, cây mù u hiện sừng sững giữa phố như thế này quả là rất hiếm, nên cũng có thể được xếp hạng lắm chứ. Nghe vậy, anh bạn tôi cho biết sở dĩ cây này còn sót đến ngày nay là nhờ nằm trong khuôn viên Miếu Bà chứ nằm ngoài bờ rào là đã biến thành củi, thành mấy cái dầm chèo ghe rồi. Nhắc tới dầm chèo ghe tôi mới nhớ hồi xưa, nhà tôi có chiếc ghe nan trét dầu rái. Một hôm, ba tôi đem về cái dầm với bộ mặt hớn hở, khoe cái dầm ấy làm bằng gỗ mù u. Mấy người trong xóm cũng cho rằng nó tốt không thua gì gỗ kiền kiền, ngâm nước mấy cũng không hư. Kinh nghiệm này, tôi nghĩ bà con quê tôi học được ở mấy người vạn chài sống dọc theo sông Thu Bồn và Vu Gia chứ không phải của chính họ.
nbsp;
Cạnh cây mù u này nằm cạnh Miếu Bà, ngôi miếu này được nhân dân địa phương xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 19, ngay trên nền phế tích đền tháp Chăm Hóa Quê. Đây là di tích có giá trị trong quần thể Khu Di tích Lịch sử - Văn hóa Khuê Trung và là nơi người dân thể hiện sự ngưỡng vọng, tôn thờ Bà Ngũ hành, hay còn gọi là Ngũ hành nương nương. Đây là năm vị thần nữ cai quản năm yếu tố của vạn vật: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Trong kháng chiến chống Pháp, Miếu Bà là địa điểm hoạt động bí mật của lực lượng cách mạng và nhân dân địa phương. Nhưng theo trải nghiệm của tôi qua những lần thâm nhập thực tế để viết địa chí, thì miếu này chắc chắn thờ bà Thiên Y A Na – mẹ xứ sở của người Chăm, rồi từng bước về sau nhân dân ta Việt hóa. Ở Đại Lộc quê tôi có rất nhiều trường hợp như thế. Sát bên cây mù u có cái giếng Chăm còn nguyên vẹn rất đẹp, nước trong vắt, tràn đầy. Điều này cho thấy suy nghĩ của tôi không phải là không có cơ sở.
nbsp;
Theo dân gian, khi xưa nhà vua cho trồng nhiều cây mù u, vì ngày đó dân ta bị bệnh ngoài da rất nhiều mà tinh dầu cây mù u thì chữa những bệnh ngoài ra rất tốt. Do đó, việc trồng cây mù u của nhà vua cũng vì trăm họ. Chuyện đúng sai tới đâu chưa biết, nhưng tấm lòng của dân nghĩ thế và qua nhiều đời vẫn còn nghĩ thế, thì người đời sau như tôi thấy cũng nên tin như thế. Với tôi, mọi dạng truyền thuyết, huyền thoại về cơ bản là thành quả sáng tạo của nhân dân trên những hiện tượng có thực mang tính nhân đạo và mơ ước tốt lành của con người. Và cây mù u ở Miếu Bà – Khuê Trung là nhân chứng cho lòng thiện lương của bà con ở trong vùng. Đó là điều tốt đẹp và tôi tin người dân Khuê Trung sẽ tiếp tục trân trọng, giữ gìn cây mù u ấy!
nbsp;
Tổng hợp từ Nhà văn Vu Gia - Hạ Uyên