BIA CHỨNG TÍCH ĐÔNG PHƯỚC
Người đăng tin: Test Test Ngày đăng tin: 09/09/2009 Lượt xem: 39

Phía sau lưng, cánh đồng lúa xanh ngút ngàn trải dài đến chân núi trước mặt là khu dân cư đông đúc, Bia chứng tích Đông Phước (phường Hoà Phát, quận Cẩm Lệ) ghi nhận một sự kiện đẫm máu đã từng xảy ra cách đây hơn nửa thế kỷ.


Đó là sự kiện ngày 19 - 6 - 1950.

Trên bia ghi 14 danh tính: Đồng chí Trần Mai, đồng chí Võ Nhị, đồng chí Nguyễn Văn Chương, đồng chí Nguyễn Màng, đồng chí Nguyễn Văn Bổn, đồng chí Nguyễn Thị Tuý, ông Đoàn Nguyên, bà Đoàn Thị Xử, ông Lê Tựu, ông Võ Mua, bà Lê Thị Mật, bà Nguyễn Thị Hải, ông Bùi Trung, ông Lê Điệp. Họ là những cán bộ, nhân dân dân đã bị thực dân Pháp sát hại trong một buổi trưa hè nóng bỏng.

Đông Phước năm 1950 nằm trên diện tích mở rộng đường 1A, là vùng gần sân bay, nằm trong vòng kìm toả, chiêu an của thực dân Pháp. Mọi hoạt động của cách mạng và nhân dân luôn bị rình rập nguy hiểm. Thời gian này, lực lượng biệt động thành Đà Nẵng liên hệ với xã Hoà Nhơn lấy thôn Đông Phước làm nơi trú chân và làm bàn đạp để tiến vào hoạt động trong nội thành. Dù nằm gần đồn Cẩm Lệ, sát sân bay, nhân dân nơi đây vẫn kiên trung bám đất, bám làng hoạt động và nuôi giấu cách mạng.

Ngày 19 - 6- 1950, một cuộc họp cán bộ đầu ngành và một số gia đình cốt cán ở Đông Phước được tổ chức để bàn việc giúp đỡ, tạo điều kiện cho lực lượng biệt động thành hoạt động. Ngôi nhà của bà Thủ Lự, mẹ đồng chí du kích Nguyễn Màng vốn nằm ngay bên đường thôn, cách xa nhà dân, vắng vẻ được chọn làm địa điểm họp bí mật. Cuộc họp cắt một người đứng ở ngã ba phía sau nhà bà Thủ Lự cảnh giới.

Đến trưa hôm ấy, người gác chốt mất cảnh giác, đi ăn cơm khi chưa có người thay thế. Ngay lúc này, địch ở đồn Cẩm Lệ do tên đội Quế cầm đầu dẫn quân lùng sục vào xóm làng ập đến. Bị  bất ngờ, đồng chí Trần Mai rút súng ngắn bắn bị thương 1 tên. Địch liền xả súng vào cuộc họp, một số đồng chí hy sinh tại chỗ, số thoát thân chạy ra ngoài bị địch truy bắn. Địch tiếp tục càn quét, sát hại bất cứ người dân nào đang còn làm ruộng trên cánh đồng Đông Phước. Thôn Đông Phước chìm ngập trong không khí nặng nề của cuộc bao vây tàn sát.

Bia chứng tích dựng lên như một chứng nhân lịch sử, nhắc con cháu đời đời nhớ ơn những người đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Là thân nhân của người dân vô tội bị địch tàn sát ngày 19.6.1950, ông Nguyễn Hữu Tân (phường Hoà Phát) bày tỏ nỗi vui mừng khi thấy trên bia không những ghi công các cán bộ, chiến sỹ mà còn lưu tên của những người dân thường. Đó cũng là sự an ủi dành cho người không may đã khuất. Còn ông Võ Toàn - Bí thư chi bộ 4, phường Hoà Phát thì cho rằng đây là bài học lịch sử sinh động, gần gũi, rất hiệu quả trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ ngày nay./.

Nguyên Thu

 


Quản lý video Quản lý video

// ]]>
Chung nhan Tin Nhiem Mang